Blog Search

Search Box by Terocket

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Vấn đề 22: Đời sống lành mạnh

            Hướng đạo luôn hướng đến mục tiêu giữ đời sống khoẻ mạnh trong suốt thời gian huấn luyện. Đây phải là sự luyện tập liên tục trong quá khứ, đến hiện tại và tới tương lai.

Định nghĩa sự khoẻ mạnh. Trái với quan niệm thông thường, lành mạnh không phải chỉ có sức khoẻ tốt là được. Lành mạnh phải là có sức khoẻ cộng thêm quan niệm sống đúng đắn. Sự lành mạnh là cần thiết để thu thập những gì tốt đẹp trong đời sống và có thể giúp ích tối đa cho đời sống cộng đồng.


Trong việc rèn luyện các phẩm chất của công dân, Tráng sinh phải lưu tâm tới toàn bộ vấn đề sống lành mạnh và nhận thức được tầm quan trọng của quyền lợi cá nhân mình và quyền lợi của dân tộc trong việc giữ cho thân thể được lành mạnh. Giữ cho con người lành mạnh là chuẩn bị “sắp sẵn”. 

Vấn đề sống lành mạnh chia làm 2 phần: sự khoẻ mạnh về thể chất và khoẻ mạnh về tâm hồn.

Về thể xác, ta phải biết cách sống trong hoàn cảnh và môi trường của ta, cách rèn luyện sức khoẻ, tăng sức bền, chăm sóc cơ thể, phát huy những thói quen và hành vi tốt, giúp ta có điều kiện làm việc tốt trong suốt cuộc đời.

Về tâm hồn phải lưu tâm đến sự quân bình về tư tưởng, sự an toàn thân thể và sự chín chắn về tình cảm. Nói cách phải giữ cho tâm tính được quân bình.

Sức khoẻ.

Phần đông thanh niên đều cho rằng thân thể họ đều khỏe mạnh và ít nghĩ đến những hậu quả có ảnh hưởng về sau do các thói quen không tốt.

Tráng sinh phải nhận ra sự quan trọng của việc giữ gìn sức khoẻ để theo đuổi các công việc mà mình yêu thích trong đời. Thường thanh niên có xu hướng luyện tập những khả năng làm anh ta hãnh diện mà lơ là việc củng cố những điểm yếu. Để tránh khuynh hướng sai lầm đó, Tráng sinh cần thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, tuân theo những chỉ dẫn y học để bảo vệ và tăng cường khả năng của cơ thể.


Nghỉ ngơi.

Cần nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi năng lượng tiêu hao trong khi làm việc. Tráng sinh nhỏ tuổi còn phát triển được nên mỗi đêm cần ngủ đủ 9 tiếng. Ngay cả khi cơ thể đã ngừng lớn, vẫn cần phải  nghỉ 1 đêm 8 tiếng.

Những hoạt động của Tráng Đoàn  như cắm trại, chơi trò chơi, tụ tập hội hè phải dựa vào nhận xét trên đây để đưa ra chương trình thich hợp. Tráng Trưởng phải biết lưu ý Tráng Đoàn  nếu quên mất các yếu tố đã nói trên.

Thể dục.

Tráng sinh phải ý thức tầm quan trọng của việc rèn luyện cơ thể. Dĩ nhiên đó là việc cá nhân thích làm hay không, nhưng toàn thể Tráng Đoàn cần được khuyến khích rèn luyện cơ thể với sự hỗ trợ của một huấn luyện viên có khả năng. Có vài cá nhân trong Tráng Đoàn  có khả năng làm huấn luyện viên thì nên giúp ích nhiều cho Tráng Đoàn.

Thanh niên thường thích phát triển cơ bắp vì người ta vẫn thường đề cao hâm mộ những thân hình lực sĩ như Atlas. Nhưng họ cần ý thức điều quan trọng chính là nên phát huy sự nhanh nhẹn hơn là sự nở nang về cơ bắp và luyện tập sao cho có sức mạnh bền bỉ hơn là to con mà mau kiệt sức.

Có đủ thể loại hoạt động để rèn luyện cơ thể và Tráng Trưởng phải khuyến khích Tráng sinh tự hào về sức khoẻ thẻ chất của mình, chính Tráng Trưởng cũng cần tham gia cùng Tráng sinh chứ không phải chỉ đứng xem.

Tập thể dục là một hình thức luyện tập cơ thể. Một hình thức khác là chơi thể thao. Đi bộ, chay, bơi lội, đi xe đạp, chèo xuồng, bắn cung tên, leo dây, khiêu vũ, quyền anh, bowling, judo, trượt tuyết, tennis, đánh kiếm, leo núi, golf và nhiều hoạt động khác nữa của cá nhân hay tập thể.

Trong các hoạt động kể trên, thể nào Tráng sinh cũng tìm được một hoạt động thích hợp cho mình. Điều chủ yếu là mỗi Tráng sinh phải tham gia vào những hoạt động này để rèn luyện cơ thể. Cũng cần cho Tráng sinh tham gia một môn thể thao, hay thể dục như golf, đánh kiếm để thấy được thú vui của thể thao và chính môn thể thao ấy sẽ có ích cho cuộc đời Tráng sinh sau này khi anh đã quên mất môn thể thao mà mình từng chơi thời thơ ấu.

Tráng sinh nào gia nhập một nhóm thể thao thì có thể xem hoạt động thể thao đó nằm trong phần sinh hoạt của Tráng Đoàn. (Không cần tách rời hoạt động thể thao đó). Lý tưởng Hướng đạo được du nhập vào các hội thể thao thì hay hơn chứ không riêng gì chỉ áp dụng tại Tráng Đoàn.

Nơi nào không có các đội nhóm thể thao hay Tráng sinh không tham gia vào một hình thức tổ chức thể thao nào thì nên nghĩ đến việc thành lập một toán Tráng sinh để chơi thể thao. Các trò chơi thể thao giữa các toán ngoài việc rèn luyện cơ thể còn có nhiều lợi ích khác nữa nhưng không khí của các trò chơi này phải lành mạnh.

Hình thức luyện tập nào cũng phải đều đặn liên tục, nếu không thì chẳng đạt được lợi ích về sức khoẻ. Vậy nên khuyến khích Tráng sinh có thói quen hàng ngày rèn luyện đầy đủ các bộ phận của cơ thể.

Thức ăn.

Thói quen về ăn uống do gia đình tạo ra và khi thanh niên gia nhập Tráng Đoàn  thì những điều thích hay không thích về ăn uống đã có sẵn. Khi thấy Tráng sinh có nhiều thói quen ăn uống không phù hợp thì phải tìm cách sửa đổi.

Tráng Trưởng cần khéo léo khi đề cập vấn đề này. Có lẽ cách tốt nhất là đưa vấn đề một cách tự nhiên lúc dùng bữa khi cắm trại hay thám du. Bộ Y tế và Vệ sinh Canada có xuất bản nhiều sách về dinh dưỡng và dễ kiếm. Hãy tận dụng các quyển sách này. Tráng Đoàn  có thể mời bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên viên thực phẩm đến trình bày vấn đề cho đoàn viên rõ. Những lời khuyên bảo của các chuyên viên rất có ích.

Điều quạn trọng nữa là dù ăn trong nhà hay ngoài trời Tráng Đoàn  cũng cần lựa chọn đồ ăn thích hợp. Ví dụ nếu định giải khát sau khi họp, thì có thể chọn thức uống tươi ngon chứ không nhất thiết lúc nào cũng có bánh ngọt và nước ngọt.

Nhiều thanh niên vẫn thích ăn hàng, uống nước ngọt. Ăn quá nhiều đồ ăn ngọt sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong khoang miệng, sinh acid làm hư răng. Tráng sinh không nên ăn những món ấy khi đi leo núi mà nên đem theo trái cây tươi ăn cho đỡ khát, đỡ đói.

Muốn thông thạo về cắm trại phải biết nấu ăn giỏi. Không phải chỉ biết loại và lượng thức ăn cần cho bữa ăn là đủ mà còn phải biết nấu món ăn cho đúng cách. Đồ ăn ngon mà nấu dở thì cũng mất ngon. Phải huấn luyện cho Tráng sinh biết cách nấu ăn khi cắm trại.

Theo thông lệ, đồ ăn thông thường, đủ lượng là được. Nhưng ta không nên bằng lòng với mức độ ăn uống như vậy. Trong ẩm thực, nên có đôi chút mạo hiểm. Ăn những thức ăn khác bữa thường ngày và những món ăn nổi tiếng. Áp dụng nhiều công thức nấu nướng. Chúng ta thường ăn các món xào, hãy tập làm món chiên, luộc, rim và nấu món ăn mà không cần dụng cụ riêng.

Tráng sinh cũng nên tập làm những thức ăn khô nhẹ, giúp đỡ Tráng Đoàn  tìm các món ăn và phổ biến chung.

Không khí trong lành và nắng ấm.

Hiện nay ai cũng biết khí mát và ánh nắng là cần thiết. Thế nhưng nhiều người lại thích ngủ nướng trong phòng kín gió, nhiều người thích cắm trại ngủ chen chúc trong lều đông người và có đoàn vẫn thích không khí kìm hãm của đoàn quán hơn là ngoài trời.

Có nhiều lúc Tráng Đoàn  đi thám du mà vẫn ngủ trong phòng hay trong lều. Tráng Trưởng cần khuyến khích Tráng sinh tận hưởng khí trời nhiều hơn nữa.

Nên để cho đoàn quán thoáng khí trước khi họp bạn và để không khí lưu thông trong khi họp, cần mở hết cửa sổ và cửa lớn.

Ánh mặt trời giúp tạo các vitamin và đặc biệt giúp phòng ngừa và chữa bệnh tật. Tuy nhiên, cần vừa phải vì nếu ánh nắng quá gay gắt và bất thần ra nắng hay phơi nắng quá độ cũng có hại. Có vài loại bệnh gặp ánh nắng mặt trời lại gây phản ứng không tốt. Tráng Đoàn  cần cho Tráng sinh hoạt động ngoài trời thường xuyên và tận hưởng khí trời mát cũng như ánh sáng mặt trời.

Quần áo.

Thanh niên tuổi tráng rất chú trọng đến quần áo. Họ hay để ý tới các kiểu đồ mới nhất.

Trong các hoạt động như đi bộ đường dài, cắm trại, quần áo phải đơn giản, tiện lợi. Mang giày chắc chắn và vừa chân khi đi bộ. Một đôi vớ dày hay hai đôi vớ len mỏng không lủng lỗ là được. Mặc quần ngắn là lý tưởng để đi bộ cắm trại nhưng ở những nơi có nhiều côn trùng, ruồi muỗi và những ai dễ bị cảm nắng thì nên mặc quần dài.

Khi hoạt động nhiều mà mặc quần áo bó sát thì khó ra mồ hôi và khi tạm nghỉ mồ hôi ra nhiều thì dễ bị lạnh. Vậy cần thay áo khác hay mặc áo mát để hạ nhiệt bớt. Đội mũ để tránh nắng làm loá mắt, giữ đầu khỏi vướng cành cây, gai góc khi đi vào nơi có nhiều cây cối hoặc để tránh nước mưa không chảy xuống cổ.

Về mùa đông những điều nói trên vẫn áp dụng được nhưng cần sửa chữa đôi chút. Trước hết phải mặc áo ngoài chống thấm đi mưa gió để giữ sức khoẻ. Mặc áo mưa chắc chắn và dài tới giày, sử dụng loại quần mặc đi tuyết là phù hợp. Áo khoác dài mặc khi trời lạnh cần có giây thắt ngang lưng để điều hoà không khí và nhiệt độ cơ thể. Mũ nên dùng loại có tai che để chống gió lạnh. Găng tay cần vừa vặn không bị ướt và đừng quá chật.

Đồng phục chính thức của Tráng sinh và các loại quần áo khác được Tráng sinh tuỳ tiện mặc đều dựa vào những tiêu chuẩn trên.

Khi mặc loại quần áo lao động để hoạt động trong Tráng Đoàn, Tráng sinh bắt đầu nhận thất sự cần thiết cảu việc mặc quần áo đúng đắn để giữ sức khoẻ và thuận tiện. Đó là bài học đáng giá để áp dụng khi lớn lên vào đời.

Sạch sẽ.

Sạch sẽ là cần thiết cho sức khoẻ. Phần đông Tráng sinh cũng biết vậy và biết cách giữ cho cơ thể sạch sẽ. Gia đình và trường học cũng dạy cách giữ vệ sinh sạch sẽ. Tuy vậy, nhiều Tráng sinh, nhất là các bạn nhỏ tuổi lại không biết cách giữ vệ sinh sạch sẽ.

Tráng Trưởng có nhiều lúc nhận thấy vài Tráng sinh có hơi thở và mùi hôi khó chịu chỉ vì họ quên không đánh răng và tắm rửa sạch sẽ. Tráng Trưởng nên lưu ý riêng cho Tráng sinh biết.

Khi cắm trại hay đi bộ đường dài, Tráng sinh thường hay để quên thói quen vệ sinh sạch sẽ. Bơi lội, tắm rửa cho sạch sẽ là tốt nhất, rửa nước nóng và xà phòng để lỗ chân lông được sạch sẽ, mồ hôi dễ thoát ra. Rửa bằng nước trước, lấy khăn lau khô. Khi làm thức ăn cũng phải giữ vệ sinh sạch sẽ.

Quần áo sạch sẽ cần thiết để cho sự hoạt động của cơ thể được thoải mái.

Giữ vệ sinh trong đoàn quán khi cắm trại, đồ đồng phục, trang bị cẩn thận, thân thể sạch sẽ, tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến việc thi hành 10 điều Luật của Hướng đạo.

Giáo dục đời sống gia đình. Giáo dục đời sống gia đình có ý nghĩa rộng hơn là chỉ nói về giáo dục về giới tính. Giáo dục đời sống gia đình không phải chỉ gồm có phương thức sinh sản, giáo dục sinh lý căn bản mà là tất cả những liên hệ giữa nam và nữ như bạn bè, đôi lứa, vợ chồng, xây dựng gia đình. Nhiệm vụ của Tráng Trưởng là giúp đỡ hướng dẫn Tráng sinh có những thói quen, thái độ, lý tưởng về đời sống. Đó là những yếu tố sẽ khiến cho Tráng sinh trong tương lai trở thành những con người quân bình, chín chắn, biết xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, trước khi giáo dục về đời sống gia đình là một mục tiêu xa, Tráng Trưởng phải hiểu rõ con người thanh niên trước đã.

Có một quan niệm đúng đắn về tình dục là một phần trong quá trình giáo dục của một người thanh niên. Khi một thanh niên nhập đoàn, có thể anh ta đã hiểu rõ ràng tình dục là một chức năng của cơ thể, còn một số thì chưa thể. Tuy nhiên dù chưa hiểu rõ nhưng có lẽ Tráng sinh cũng biết qua được rằng tình dục thuộc về cảm xúc mà ta phải thấu hiểu, định hướng và kiểm soát. Anh sẽ cần tìm hiểu và phát triển các quy chuẩn để phân biệt điều gì đúng đắn trong đời sống tình dục khác với sự ích kỷ, bê tha, truỵ lạc.

Tráng Trưởng phải sẵn sàng hướng dẫn Tráng sinh đã trưởng thành giải quyết những khó khăn và cách cư xử mà anh sẽ gặp phải khi mới giao thiệp với phái nữ. Nếu cầu có thái độ đúng đắn giữa Tráng Trưởng và Tráng sinh thì vấn đề tình dục cũng sẽ do Tráng sinh tự ý nêu ra chứ không cần Tráng Trưởng dò hỏi.

Cách cư xử của Tráng Trưởng đối với Tráng sinh cũng tuỳ theo tâm tính và hoàn cảnh mỗi cá nhân. Tuy nhiên cũng có thể giảng giải tập thể nhưng chỉ nói ít và trên đại cương đúng mực thôi. Phải do một người có kiến thức và hiểu rõ về vấn đề đứng ra giảng giải. Có thể là Tráng Trưởng có nhiệm vụ tìm hiểu và giảng giải cho Tráng sinh. Nhưng Tráng Trưởng cần phải dùng những từ ngữ về tình dục cho phù hợp để việc thảo luận không biến thành trò chuyện thô lỗ tục tằn.

Một vài giới chức phụ trách vấn đề phát triển giáo dục đời sống gia đình không chấp nhận việc nhấn mạnh sự nguy hại của các bệnh lây lan qua đường tình dục. Bệnh hoa liễu không nên tách riêng khỏi phần giáo dục đời sống gia đình mà phải là một khía cạnh của vấn đề. Cũng vậy nhiều giới chức cho rằng nếu để một bác sĩ hay một người lạ đến tham dự buổi nói chuyện về tình dục sẽ làm cho buổi nói chuyện có một không khí “đặc biệt” không hay.

Các buổi thảo luận về đời sống gia đình cũng phải coi như những buổi thảo luận về các vấn đề thông thương khác. Khi chấm dứt, phải đi tới một kết luận rõ rệt và nếu không còn khía cạnh nào khác của vấn đề cần làm sáng tỏ thêm thì không nên nêu lại nữa.

Nếu vấn đề giáo dục đời sống gia đình được trình bày đúng phương pháp sẽ đưa đến các vấn đề liên hệ theo như mua nhà, bảo hiểm, ngân sách cho gia đình và những mối quan hệ trong gia đình.

Sức khoẻ tinh thần.

Thế nào là một tâm hồn khoẻ mạnh? Có thể định nghĩa là “Tình trạng một cá nhân nhận thấy khả năng thành công mình sẽ đạt được với khả năng cho phép, sự hài lòng về bản thân và người khác”. Nói cách khác đố là có khả năng để sống một cách tốt đẹp với bản thân mình và với người khác.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Ngành Tráng là rèn luyện Tráng sinh thành người trưởng thành về phương diện cảm xúc. Càng nhiều người trưởng thành ở càng nhiều quốc gia trên thế giới thì sẽ không còn chiến tranh nữa.

Đã có nhiều sách viết về sự trưởng thành cảm xúc vì Tráng Trưởng nên học hỏi về văn học đương thời để biết rõ vấn đề này. Đối với mục tiêu của chúng ta, khó mà trình bày dù là sơ lược về những quy luật liên quan đến sự trưởng thành cảm xúc. Có lẽ chúng ta có thể khởi sự làm công việc ấy. Một trong những yếu tố ngăn trở khiến cá nhân không đạt được sự trưởng thành về phương diện cảm xúc là do thiếu khả năng thoả mãn các nhu cầu tâm lý của mình. Những nhu cầu tâm lý đó là gì? Đó là nhu cầu về tình yêu thương, thành quả, cảm giác thuộc về, sự thừa nhận, sự độc lập và sự tự trọng. Hiện nay có quan niệm chung là sự thiếu thốn về nhu cầu tâm lý trên sẽ dẫn đến sự thiếu khả năng đương đầu với cuộc sống, sự bất ổn và những chứng bệnh thể chất.

Không cần nói đến, Tráng Trưởng phải nhận biết được nhu cầu tâm lý của chính mình, nếu anh muốn giúp đỡ người khác thì Tráng Trưởng phải là người trưởng thành về cảm xúc.

Có nhiều điều Tráng Trưởng phải cố gắng thực hiện cho được để thoả mãn nhu cầu của Tráng sinh.

Tráng Trưởng có thể thoả mãn nhu cầu về tình thương cho Tráng sinh bằng cách dùng tình thương bạn hữu chân thành của mình và thái độ thông cảm với khó khăn của cá nhân Tráng sinh.

Nhu cầu của cá nhân về thành quả có thể thoả mãn bằng cách hướng dẫn làm sao cho Tráng sinh chu toàn những vấn đề họ đang theo đuổi. 

Tham gia thật sự vào đời sống của Tráng Đoàn  cho chúng ta ý thức về sự thuộc về nếu Tráng sinh cảm thấy mình là một đoàn viên quan trọng của đoàn.

Sự thừa nhận có thể diễn ra trong nhiều dịp. Chẳng hạn trong những buổi lễ hay trường hợp Tráng sinh rất chu đáo khiến Tráng sinh khác nhìn nhận anh đã cố công học tập rèn luyện ở trường, hay đã tiến bộ trong công việc hoặc đã thực hiện những việc xứng đáng được công chúng thừa nhận.

Nhu cầu về sự độc lập và tự trọng có thể thoả mãn bằng cách cho Tráng sinh thấy tiếng nói của mình được người khác lắng nghe và quan điểm cá nhận được xem xét cẩn thận.

Tráng Trưởng có thể hướng dẫn Tráng sinh theo đúng những phương pháp giữ cho tâm hồn lành mạnh bằng cách khuyến khích họ:

1.      Giữ cho cơ thể khỏe mạnh
2.      Tìm được sự vui thích trong công việc
3.      Đọc sách vở nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công việc làm ăn.
4.      Theo đuổi một môn thể thao mình ưa thích.
5.      Có những cuộc tiếp xúc ngoài công việc và ngoài Hướng đạo.

Rượu và thuốc lá.

Vấn đề này được đặt trong mục “Sức khoẻ tinh thần”  thay vì “Sức khoẻ thể chất” vì thái độ và thói quen dùng rượu, thuốc lá thường xuất hiện ở giai đoạn này. Hậu quả tai hại đối với cơ thể do dùng rượu và thuốc lá quá độ chưa rõ lắm ở lứa tuổi Tráng sinh.

Có những khía cạnh đạo đức trong các vấn đề xã hội này nhưng không bàn mục này.

Hút thuốc và uống rượu là biểu hiện của người lớn vậy thanh niên tập hút thuốc, uống rượu để chứng tỏ mình là người lớn là điều tự nhiên. Tráng Trưởng phải để ý biết trong số người nghiện rượu kinh niên ở Canada, thống kê cho thấy có 15,9% từ 20 đến 29 tuổi. Giới chức còn cho biết phải từ 10 đến 15 năm mới thành người nghiện. Thống kê cũng cho thấy ở Canada có 40% thanh niên 18 tuổi sử dụng rượu. Số lượng tiêu thụ không nói rõ, và có 22% thiếu niên 14 tuổi sử dụng rượu.

Với quan điểm học hỏi trong việc sống lành mạnh trong tâm hồn, Tráng Trưởng nên tìm cơ hội cho đoàn viên bàn luận về vấn đề hút thuốc, uống rượu. Vấn đề uống rượu lái xe là một vấn đề đáng ngại của cộng đồng vào dịp Giáng sinh và Năm mới. Đây là dịp tốt để đưa ra thảo luận chung cả những vấn đề an toàn cá nhân cũng như vấn đề khác như luật và việc kiểm soát sử dụng rượu, sản xuất rượu, thuốc và những vấn đề liên hệ khác. Nên tổ chức một buổi nói chuyện do các chuyên viên như bác sĩ, chuyên viên tâm lý học, hay nhân viên hoạt động xã hội thực hiện, sau đó thảo luận, giải đáp câu hỏi. Ví dụ: Tại sao phải hút thuốc và uống rượu? Những lý do gì khiến con người hút thuốc và lạm dụng rượu? Rượu và thuốc lá có tác hại gì? Những buổi thảo luận có các chuyên gia như vậy tham dự rất bổ ích cho giới trẻ.


Việc Tráng Trưởng cấm hút thuốc, uống rượu là không nên và cũng không thể làm được. Quốc gia có đưa ra luật cấm trẻ vị thành niên uống rượu và Tráng Trưởng với tư cách công dân tôn trọng luật pháp, chỉ việc thi hành luật pháp và khuyến khích Tráng sinh tuân  theo luật pháp. Nhưng Tráng Trưởng không nên có thái độ lệch lạc trong việc hút thuốc và uống rượu. Nhiệm vụ của Tráng Trưởng là làm cho Tráng sinh hiểu rõ việc sử dụng và lạm dụng rượu và thuốc lá. Khi đã nhận thức được điều đó, mỗi cá nhân sẽ tự đề ra cho mình một cách thức đối nhân xử thế và học tập những thói quen giúp mình đương đầu với cuộc sống. 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét