Thời gian rảnh
rỗi của mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại tăng nhiều hơn so với 10 năm trước
đây. Nhiều dấu hiệu cho thấy nhờ sự phát triển công nghệ tự động và những công
cụ tiết kiệm sức lao động, con người trong tương lai sẽ có nhiều thời gian rảnh
rỗi hơn nữa. Hiện nay người ta thường nói đến số giờ làm việc là 32, 30 hay có
khi là 28 giờ mỗi tuần. Việc sử dụng thời gian rảnh rỗi hiện nay là một vấn đề
xã hội cấp bách và sẽ thành vấn đề nghiêm trọng hơn nếu quả thật ngày mai số giờ
làm việc còn giảm xuống nữa. Điều khó khăn trong việc hướng dẫn giới trẻ là hướng
dẫn họ biết sử dụng thời gian rảnh một cách hữu ích.
Mỗi người thực
sự có bao nhiêu thời gian rảnh rỗi? Thực ra không có nhiều lắm đâu. Học sinh
ngoài giờ học ở trường, còn phải học ở nhà, làm việc bán thời gian, tham gia
các hoạt động của nhà trường, làm việc nhà, nên tiêu phí một số lớn thời gian rảnh
rỗi. Để ý là phần lớn thời gian rảnh rỗi đều tiêu phí cho công việc cá nhân.
Hãy so sánh với hoàn cảnh người thanh niên khi đã lớn khỏi bị ràng buộc bởi những công việc của thiếu niên nữa.
Khi người thanh niên đã hoàn thành công việc hàng ngày rồi thì giờ rảnh rỗi còn
lại được dành cho bản thân anh ta.
Theo dòng lịch
sử, quan niệm rút ngắn thời gian làm việc hàng tuần là để cho công dân có dịp
hưởng thụ thành quả lao động của mình. Quan điểm này có thể giải thích theo 2
cách. Trong khi nhàn rỗi con người được giải trí theo ý thích riêng mà không phải
tham gia vào hoạt động chung nào hoặc chúng ta có thể sáng tạo để góp phần vào
việc giải trí của xã hội. Quan điểm thứ nhất có nhiều nguy hại. Tính bàng quan
và sự đua đòi theo số đông là điều tai hại vì nó làm mất hẳn cá tính con người.
Huấn luyện sử dụng thời gian rảnh rỗi hợp lý là góp phần tô điểm cho đời sống
cá nhân một cách đầy đủ và cho sự an lạc chung của đất nước. Là công dân của một
nước thì có nhiều nhiệm vụ hơn là một người chỉ trú ngụ tại xứ đó. Nhiệm vụ
công dân bao hàm việc đóng góp vào đời sống chung của đất nước cũng như quyền lợi
thụ hưởng những gì đất nước có thể mang lại cho mình.
Để làm sáng tỏ
quan điểm trên, chúng ta hãy đi hỏi một số người, như thế nào thì xứng đáng là
công dân tốt. Họ không cho rằng đó là một ông Joe Doakos nào đó, có đóng thuế
và đi bầu, sống tuân theo pháp luật. Không! Họ sẽ coi người công dân tốt là những
ai đã làm được những gì có ích cho kẻ khác, hay đã góp được một phần xuất sắc
vào đời sống của quốc gia. Nói cách khác những ai mang lại lợi ích cho người
khác.
Trong quyển “Đường thành công” (Rovering to Success)
có nói đến những tảng đá, và ta nên xem xét đoạn ấy, vì có đề cập đến việc sử dụng
thời gian rảnh rỗi làm những việc có hại cho cá nhân và cả người khác. Những
phương thuốc cứu chữa các tệ hại ngấm ngầm ấy cũng được nêu ra trong quyển Đường
thành công và sự quân bình của vấn đề này đã được tham khảo để đề ra những ý kiến
trong tập sách này.
Tráng Trưởng phải
biết rõ mỗi Tráng sinh trong Tráng Đoàn có bao nhiêu thời gian rảnh rỗi và sử dụng
thời gian rảnh rỗi đó như thế nào. Phải có sổ tay Tráng Trưởng để ghi những môn
thể thao hay thủ công mà Tráng sinh đang theo đuổi, những việc gì các Tráng
sinh thích làm và tiêu chuẩn giáo dục của mỗi cá nhân. Có thể mỗi Tráng sinh đều
thích trau dồi học vấn và nếu Tráng Trưởng biết khuyến khích thì họ sẽ đạt được
mục đích.
Kĩ năng.
Thủ công,
khéo tay rất có ích cho các cá nhân. Đó là kết quả của óc sáng tạo của con người
và giúp cho mỗi cá nhân có thì giờ tiêu khiển.
Trong Tráng
Đoàn không cần mở các xưởng thủ công hay tổ chức cho toàn thể Tráng sinh học
chung một môn. Điều chính là khuyến khích mỗi Tráng sinh học một môn mà họ
thích nhất. Cá nhân cũng có thể tham gia các nhóm thủ công hay nhóm thể thao.
Nhiều khi chúng ta cũng có thể tổ chức dạy nghề miễn phí hay đóng phí. Nếu có,
đoàn quán nên cung cấp phương tiện cho Tráng sinh theo đuổi môn thể thao hay
nghề thủ công đang định thực hiện.
Nếu Tráng
sinh không biết nên theo đuổi nghề thủ công hay thể thao nào cả thì Tráng Trưởng
có thể gợi ý như nghề thợ mộc, làm da thuộc, làm đồ sứ, nhựa, đồ gỗ, sưu tầm
tem, thợ sơn, hội hoạ hay bất kì công việc xây cất nào. May hay chế tạo dụng cụ
trại cũng là hoạt động có ích mà còn phù hợp với sinh hoạt của Tráng Đoàn.
Giải trí.
Giải trí thật
sự là hình thức tích cực. Tráng Đoàn có
các chương trình giải trí riêng như đi bộ, cắm trại, thể dục thể thao như
tennis, golf.
Kế hoạch hoạt
động của Tráng Đoàn phải đề ra huấn luyện
căn bản cho Tráng sinh để tham gia vào các chương trình giải trí.
Chương trình
giải trí tập thể gồm có cả khiêu vũ ngoài trời, trong phòng, giải thể thao dành
cho người trưởng thành, và giám sát các hội đoàn thể thao thiếu nhi như hội
bóng chuyền chẳng hạn.
Thẩm mỹ.
Trong khi hướng
dẫn thanh niên có tầm nhìn rộng cần hướng dẫn họ phát huy óc khám phá về các
môn nghệ thuật như văn nghệ, kịch nghệ, ca nhạc. Chúng ta thường hay có khuynh
hướng lên án hình thức nghệ thuật nào mới mẻ, chỉ vì nó mới và chúng ta không
hiểu rõ được. Trái lại, có nhiều môn nghệ thuật được đề cao vì nó phổ biến. Tráng
Trưởng không nên võ đoán về giá trị một môn nghệ thuật nào mà chỉ nên hướng dẫn
Tráng sinh biết nhận xét xác đáng về tất cả các môn nghệ thuật. Chính quyền và
tư nhân đều cổ động cho nghệ thuật và có nhiều cơ sở được thành lập để nâng đỡ
các môn nghệ thuật mà không cần tốn phí.
Đọc sách để
giải trí là một hoạt động lúc nhàn rỗi của hàng triệu người thế mà có nhiều Tráng
sinh không chịu đọc sách. Vậy phải khuyến khích Tráng sinh lui tới thư viện và
biết thưởng thức văn chương.
Kịch, Phim, Đài và Truyền hình.
Hình thức giải
trí thụ động này cũng có ích nhưng bất kỳ việc gì mà quá độ thì cũng không hay.
Kịch, phim,
truyền thanh và truyền hình là hình thức thông tin đại chúng có ảnh hưởng đến đời
sống hàng ngày và mức độ không thể tưởng tượng được vào đầu thế kỷ này. Nếu muốn
ta có thể chấp nhận những gì mà các chương trình giải trí này mang lại mà không
thắc mắc như những khán thính giả thụ động. Nhưng ta cũng có thể thắc mắc và nhận
xét phê bình giá trị các hình thức giải trí này. Chẳng hạn, Tráng Đoàn có thể thành lập nhóm phê bình đánh giá các buổi
biểu diễn kịch, tài năng diễn viên, và các chương trình trình diễn đặc biệt. Nếu
có thảo luận thì nên thảo luận sau khi chương trình chấm dứt. Chương trình truyền
thanh về đề tài nhiệm vụ công dân chẳng hạn là những đề tài hữu ích để thảo luận.
Sự quân bình.
Một lần nữa cần
nhấn mạnh sự cần thiết cần quân bình các hoạt động. Chúng ta thường có khuynh
hướng chú trọng vào hoạt động mình ưa thích và bỏ những hoạt động cần thiết
khác. Nếu ta cần phải thông thạo về một vấn đề nào đó thì ta cũng cần có tầm
nhìn rộng để khám phá tất cả mọi vật trong đời sống. Dĩ nhiên có những vấn đề
phải gạt bỏ, nhưng không vì lý do đó mà không chịu khó tìm hiểu trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét