Blog Search

Search Box by Terocket

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Vấn đề 11: Tân Tráng sinh (giai đoạn Dự bị Tráng)

Xin gia nhập Tráng Đoàn :

Các Hướng đạo sinh, cựu Hướng đạo sinh, và cả người ngoài phong trào đều có thể được chấp nhận gia nhập Tráng Đoàn.

Việc xin gia nhập thường do Toán Lãnh đạo xem xét và người xin gia nhập sẽ được thông báo ngay về sự chấp nhận. Ít khi có trường hợp không được nhận vào. Nếu có, thì phải vì lý do thật chính đáng và cần phải do Tráng Trưởng cho ý kiến sau cùng khi quyết định.
Khi Tráng Đoàn  nhận được đơn xin gia nhập của một Thiếu sinh, Tráng Trưởng cần phải bàn bạc với Thiếu Trưởng của em này về vấn đề xin gia nhập. Thường sự lên đoàn (Thiếu lên Tráng) sẽ xảy ra trong một Liên đoàn Hướng đạo.

Sự chấp nhận vào Tráng Đoàn :

Sự chấp nhận một Thiếu sinh từ Thiếu đoàn lên Tráng Đoàn  cần được xem xét cách đặc biệt. Khi đã nhận một Thiếu sinh vào Tráng Đoàn, Tráng Trưởng và cố vấn Tráng Đoàn  phải ôn lại những điều kiện của Tân tráng đối với em Thiếu sinh đó. Tại một buổi họp mặt của Tráng Đoàn, em cựu Thiếu sinh đó sẽ lặp lại lời Hứa Hướng đạo trước sự hiện diện của toàn thể Tráng sinh trong Tráng Đoàn. Sau đó em được chấp nhận vào Tráng Đoàn  trong buổi lễ Nhập đoàn.
Đối với thanh niên bên ngoài, không phải là Thiếu sinh, thì phải áp dụng thủ tục khác. Tráng Trưởng và Cố vấn Tráng Đoàn  phải giúp đỡ tân tráng để họ có thể đáp ứng những điều kiện của đoàn viên mới và chuẩn bị cho họ được gia nhập tổ chức huynh đệ rộng khắp trên toàn thế giới này. Khi người thanh niên đã làm theo đúng điều kiện ấn định và Tráng Trưởng đã chấp thuận, anh sẽ được gia nhập Tráng Đoàn  trước sự hiện diện của tất cả Tráng sinh trong buổi lễ Nhập đoàn.
Khi hoan nghênh Tráng sinh mới vào Tráng Đoàn, điều quan trọng là phải làm cho Tân tráng cảm thấy chính mình muốn gia nhập, vì mới đầu thể nào cũng phải cảm thấy bỡ ngỡ đôi chút, nhất là với các thanh niên chưa từng sinh hoạt Hướng đạo. Đột nhiệt tham gia vào một đoàn người trẻ gồm những thanh niên lớn tuổi hơn mình và, Tân tráng cảm thấy những Tráng sinh kia là những “Hướng đạo sinh siêu đẳng”. Việc chỉ định bảo huynh một cách khéo léo sẽ xoá được tình trạng bỡ ngỡ ấy.

Huấn luyện tân Tráng sinh:

Việc kế tiếp đối với tân Tráng sinh là bắt đầu chương trình huấn luyện. Bảo huynh chỉ “đôn đốc” việc huấn luyện này còn trách nhiệm phân tích, đánh giá cuối cùng là do Tráng Trưởng đảm trách.

Điều đòi hỏi tân Tráng sinh trước tiên trong việc huấn luyện là họ phải đọc và nghiên cứu quyển sách “Hướng đạo cho trẻ em – Scouting for Boys”  và “Đường thành công – Rovering to success”. Đây là lúc các bảo huynh cần theo sát tân tráng để xem họ có thực hiện nhiệm vụ đúng như những điều đã đọc hiểu trong hai quyển sách trên. Phải vừa thúc đẩy, vừa khuyến khích hướng dẫn Tân tráng đọc từng đoạn, từng chương một chứ đừng đọc qua một lượt tất cả. Những điều nhắc đến trong hai quyển sách này rất quan trọng vì đó là những điểm căn bản mà Tráng Đoàn  sẽ thực hiện.
Có những chỗ trong sách cần được giải thích, tranh luận cho sáng tỏ. Các bảo huynh cần chuẩn bị giải thích cho đúng và nếu cần, phải nhờ Tráng Trưởng giúp ý kiến.
Đừng nên chỉ giới hạn sự nghiên cứu hai quyển sách này về phương diện lý thuyết mà thôi, có một số thực hành trong quyển “Hướng đạo cho trẻ em” cần phải được thực hiện. Sinh hoạt của Tráng Đoàn  nên tạo cơ hội cho tân tráng học hỏi, nghiên cứu. Thỉnh thoảng, Tráng Đoàn  nên tổ chức một chương trình sinh hoạt có liên hệ đến vài điểm được nêu ra trong quyển “Hướng đạo cho trẻ em”, hay quyển “Đường thành công”.
Chúng ta cũng có thể tổ chức những buổi thảo luận trong Tráng Đoàn  về một vài đoạn trong hai quyển sách trên và không nhất thiết phải tranh luận dứt khoát. Thực ra có những vấn đề nêu ra trong sách, khi gặp đúng trường hợp mới thấy hay và có giá trị.

Đường thành công:

Chúng ta sẽ thắc mắc: “Lúc nào và làm thế nào để chúng ta chấp nhận rằng tân tráng đã hoàn thành các nhiệm vụ đọc sách của mình?”. Trước hết, thật thất sách nếu ta áp dụng hình thức “khảo thí” để xem tân tráng có hiểu hết nội dung hay không. Điều cần phải kiểm tra đó là xem tân tráng đã nắm vững tinh thần của hai quyển sách “Hướng đạo cho trẻ em” và “Đường thành công” hay chưa, để xem họ có thật sự cố gắng áp dụng tinh thần đó vào hành động trong đời sống hàng ngày hay không. Đây là nhiệm vụ của các bảo huynh và trách nhiệm của họ là tạo cơ hội cho tân tráng được đưa ra bàn luận về những điều khó khăn họ gặp phải.

Điều kiện tiếp theo là tân Tráng sinh phải thấu hiểu và sống theo đúng Luật và Lời hứa Hướng đạo áp dụng cho Tráng sinh. Hãy xem Vấn đề 31 trong tập sách này có nói chi tiết về điều kiện này.

Bảo huynh:

Nhiệm vụ của bảo huynh là giúp đỡ và khuyên bảo Tân tráng trong bước đầu thực hiện Luật và Lời hứa Hướng đạo, khởi sự từ quan điểm của một người trưởng thành và cho tân tráng thấy rõ bảo huynh đã tận lực giúp đỡ và hướng dẫn họ. Bảo huynh phải chỉ rõ cho Tân tráng thấy Luật và Lời hứa Hướng đạo là nền tảng và là trọng tâm sinh hoạt của Phong trào,  không phải chỉ là mớ lý thuyết suông, và việc tuân giữ Luật và Lời hứa là nhiệm vụ của một người trưởng thành chân chính.

Kỹ năng trại:

Bây giờ chúng ta bàn đến phần huấn luyện thủ công cho Tân Tráng sinh. Tân Tráng sinh sẽ phải đi bộ cắm trại 18 dặm, mang theo dụng cụ để nghỉ đêm, như lều trại, hoặc nhà chứa cỏ, vựa thóc tuỳ thời tiết ít nhất một đêm, nấu nướng, phục vụ cho mình và cho đồng bạn khác. Sau ngày trại, tân tráng sẽ phải báo cáo kết quả huấn luyện cho Tráng Trưởng. Trong nhiều trường hợp, tân tráng phải thực hiện điều kiện này một cách tuần tự. Thủ công trại không thể thấu đáo được chỉ trong một đêm. Tốt hơn là ban đầu, Tráng sinh nên tập đi cắm trại một ngày tại một nơi tương đối không xa lắm. Rồi dần dần khi học được nhiều kinh nghiệm và khéo léo hơn, họ mới có thể nắm chắc kỹ năng trại. Tân tráng phải ghi vào ký trình  tất cả những điều xảy ra trong khi đi cắm trại dù là kỳ trại ngắn hay dài. Tráng Trưởng và Bảo huynh thỉnh thoảng cần kiểm tra ký trình  của Tân tráng.

Cần đặt ra các tiêu chuẩn cao. Khi đạt được một thành tựu, hoặc nêu gương tốt trong kỹ năng trại, Tráng sinh sẽ cảm thấy mãn nguyện.

Tiêu chuẩn phải đạt được sẽ do Tráng sinh quyết định nhưng phải phù hợp với khả năng và cá tính của tân tráng. Mỗi người trong chúng ta không ai giống ai và điều người này cho là dễ có thể khó với người khác. Điểm chính là phải nỗ lực cố gắng về mọi phương diện. Tráng sinh nhận sự đánh giá của các bảo huynh. Về điểm này, một trong hai bảo huynh sẽ là bạn đường của tân tráng trong một chuyến cắm trại mà bảo huynh có nhiều kinh nghiệm, để có thể đánh giá công bằng.

Giai đoạn dự bị:

Các huấn luyện nêu trên đều được thực hiện trong thời kỳ dự bị gia nhập Tráng Đoàn  của Tân tráng. Thời kỳ này có thể dài hơn thời gian hạn định để thực hiện đủ các công tác nhưng không nên kéo dài nếu không cần thiết. Mục đích của giai đoạn dự bị là để có thời gian cho Tân tráng chuẩn bị gia nhập Tráng Đoàn  và để Tráng Đoàn  đảm bảo Tráng sinh đã hội đủ tiêu chuẩn về kĩ năng trại, hạnh kiểm và tinh thần Hướng đạo.

Kinh nghiệm cho thấy không nên ấn định một thời gian máy móc cho giai đoạn dự bị. Giai đoạn này phải thay đổi tuỳ theo nhu cầu cá nhân Tráng sinh, tình trạng thể lý và tinh thần của tân tráng.

Chúng ta cũng đừng quên rằng, mục đích khác của giai đoạn dự bị là để xem tân tráng có thích hợp với đời sống Hướng đạo và, Tráng Đoàn  có phù hợp với nhu cầu của Tráng sinh hay không. Ngay từ lúc khởi đầu giai đoạn dự bị phải nói rõ cho Tráng sinh là bạn có cảm thấy Ngành tráng có phù hợp với cá nhân anh hay không và nếu không thì phải bàn bạc với Tráng trưởng. Hơn nữa, nếu trong giai đoạn dự bị, Tráng Đoàn  nhận thấy tân tráng không phù hợp với hoạt động của Tráng Đoàn, và sau khi hỏi ý kiến Tráng trưởng, tân tráng sẽ đến gặp Tráng trưởng.  Nhiệm vụ của Tráng Trưởng là phải giúp đỡ tân tráng hoà nhập đời sống Tráng Đoàn. Nếu thất bại, tân tráng sẽ được khuyến khích gia nhập Tráng Đoàn  khác hoặc tham gia những hoạt động khác. Thông thường, giai đoạn dự bị không kéo dài quá sáu tháng.
Trong giai đoạn dự bị, tân tráng phải tham dự tất cả buổi hội họp và mọi hoạt động của Đoàn. Tuy nhiên tân tráng không được quyền giữ chức vụ nào hay biểu quyết vế chính sách của Tráng Đoàn. Tân tráng chỉ có thể góp ý kiến vào kế hoạch và việc thực hiện những hoạt động của Tráng Đoàn  vì đó là một phần tự huấn luyện của tân tráng để trở nên phù hợp với Tráng Đoàn.

Các công việc phục dịch. Nếu không có trường hợp đặc biệt, dù sao cũng nên cho tân tráng tham gia các công việc bình thường và công tác hậu cần của Tráng Đoàn. Tân tráng phải góp phần thực hiện các công tác phục dịch cũng như mọi Tráng sinh khác. Nhưng nếu để tân tráng làm quá nhiều việc họ không thích, sẽ khiến họ có ý nghĩ sai lầm về giá trị của công việc, dù nó có bé nhỏ đến đâu.

Phần trách vụ của Tráng Trưởng:

Trong khi tân tráng đang tự huấn luyện bản thân, Tráng Trưởng cũng phải góp phần vào việc huấn luyện ấy dù chỉ đứng phía sau. Tráng Trưởng phải để ý, trông chừng hành vi, hạnh kiểm của tân tráng, và khi cần thì chỉ bảo, hướng dẫn họ. Ví dụ, khi thấy tân tráng có hành vi chửi thề, nói tục khi gặp căng thẳng, khó khăn, thì đó là dấu hiệu cho thất tân tráng đã không hiểu đúng ý nghĩa Luật Hướng đạo theo quan niệm của một con người. Cần đưa ra các lời khuyên bảo có tính trưởng thành. Đồng thời Tráng Trưởng cần phải so sánh thái độ của tân tráng với những điều Luật Hướng đạo. Điều này đòi hỏi Tráng Trưởng phải suy gẫm, cân nhắc kỹ và có kế hoạch tham khảo ý kiển với các bảo huynh để có biện pháp sửa chữa cho Tráng sinh và nếu cần đề ra những biện pháp thích hợp với cá tính của Tráng sinh.

Tráng Trưởng phải để ý đến các báo cáo định kì của bảo huynh về sự tiến bộ của tân tráng. Ít nhất phải có 2-3 báo cáo, nhưng trước khi Tráng sinh tĩnh tâm các bảo huynh phải nộp về cho Tráng Trưởng bản báo cáo thật đầy đủ.

Nghi thức Tĩnh tâm:

Trước khi nhập đoàn, tân tráng phải trải qua một thủ tục gọi là Tĩnh tâm. Nghĩa là trước khi trở thành một Tráng sinh thực thụ, tân tráng phải suy nghĩ, tự vấn về những việc làm của mình, xem đã sẵn sàng gia nhập Tráng Đoàn  chưa, đã sẵn sàng thực hiện lời hứa của Tráng sinh Hướng đạo theo quan điểm của một người thanh niên hay chưa.

Tĩnh tâm có thể có nhiều hình thức nhưng Người sáng lập – Baden Powell đã đưa ra những câu hỏi để Tráng sinh có thể tự vấn lương tâm (xét mình) của mình, theo kinh nghiệm cho thấy, các câu hỏi này có tác dụng sâu xa đối với người thanh niên nếu sự chuẩn bị cho buổi tĩnh tâm của tân tráng được thực hiện chu đáo.

Sau đây là những câu hỏi tĩnh tâm mà Huân tước Baden-Powell đã đề ra:
“Khi con người trưởng thành mỗi ngày, thời gian cũng trôi qua nhanh hơn. Nói một cách tương đối, đời sống con người quá ngắn ngủi và chóng qua. Thật vậy, cuộc đời có thể chấm dứt ngày mai – hoặc ngay đêm nay”.
1.      Cuộc đời mà Thượng đế đã ban cho, ta có biết sống một cách hữu ích hay không?
2.      Ta có phá huỷ cuộc được của ta, nghĩa là phí phạm vì đã làm những việc không ra gì không?
3.      Ta có làm điều gì có hại cho người khác không?
4.      Ta có quá chú trọng vào việc hưởng lợi, kiếm tiền hay địa vị mà không tìm cách giúp đỡ người khác không?
5.      Trong đời ta có lần nào đã làm tổn thương đến danh dự của ai không? Nếu có, ta có thể làm gì để chuộc lỗi không?
6.      Trong đời ta đã giúp ích được ai chưa? Còn ai khác ta có thể giúp ích được nữa không?
“Giúp ích người khác không phải vì tưởng thưởng hay tiền bạc, mà là do tự ý chúng ta muốn làm. Chúng ta không làm việc cho một người chủ nào cả, mà là cho Thượng đế và chính lương tâm chúng ta. Vì chung chúng ta là con người.”
“Ngành Tráng trong Phong trào Hướng đạo được mệnh danh là “tình huynh để trong tinh thần giúp ích kẻ khác”. Vậy nếu ta gia nhập Tráng Đoàn  là để có cơ hội rèn luyện mình để giúp ích người khác và không vì mục đích nào khác.”
“Giúp ích không phải chỉ làm lúc ta nhàn rỗi. Ta phải luôn tìm mọi cơ hội để giúp ích.”
1.      Có phải ta gia nhập Tráng Đoàn  chỉ vì những thú vui mà ta được hưởng hay không?
2.      Ta có quyết tâm thật sự hi sinh mình để giúp ích khi gia nhập Tráng Đoàn  không?
3.      Ta hiểu nghĩa giúp ích như thế nào?
4.      Trong mọi công việc và kế hoạch của ta, ta có thật sự nghĩ đến kẻ khác hơn là nghĩ đến mình không?
5.      Ta thích hợp nhất với loại hình giúp ích nào? a) ở nhà, b) khi rảnh rỗi, và c) lúc làm việc
“Sự thành công của việc giúp ích tùy ở cá nhân mỗi người, vậy ta phải tự giữ kỉ luật bản thân để có ảnh hưởng tốt đến người khác”.
1.      Ta có quyết tâm từ bỏ các thói quen xấu trong quá khứ hay không?
2.      Những điểm yếu của tâm tính ta là gì?
3.      Ta có tuyệt đối trọng danh dự, thật thà và đáng tin cậy không?
4.      Ta có trung thành với Thượng đế, với Nữ hoàng, với Tổ quốc, với người chủ của mình, với Phong trào Hướng đạo, với bạn hữu và với chính bản thân ta không?
5.      Ta có dễ dãi, vui vẻ và tử tế với người khác không?
6.      Ta có điều độ, trong sạch trong lời nói và trong đời sống không?
7.      Ta có quyết tâm giữ vững những điều hay ấy khi hoàn cảnh bên ngoài có những điều trái ngược không?
8.      Ta có tính tự quyết hay cứ để cho người khác quyết định thay mình hay không?
9.      Ta có đủ vững chí để xua đuổi cám dỗ chè chén hay làm hại phụ nữ không?
10. Nếu có vài điểm yếu, ta có quyết tâm bằng nỗ lực cao nhất ngay từ bây giờ để sửa chữa và từ bỏ với sự trợ giúp của thượng đế không?
“Xin Thượng đế ban cho con đủ sức mạnh để con trở thành một con người thực sự, một công dân thực sự, và là một người có ích cho đất nước con.”

Cần nói rõ cho thanh niên biết là họ chưa thể gia nhập Tráng Đoàn  và thực hiện Lời hứa Hướng đạo khi họ chưa chắc chắn có thực hành trung thực được không? Họ phải suy nghĩ chín chắn trước khi đi một bước quan trọng này và đừng cam kết thực hiện lời hứa khi chưa quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Ngành nào trong phong trào Hướng đạo cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, các thanh niên muốn trở thành Tráng sinh phải nhớ rõ điều này.

Khi tự xét mình, Tráng sinh phải ôn lại quá khứ, nghĩ về tương lại, âm thầm lặng lẽ với ý tưởng hiến mình phụng sự Thượng đế và đồng bào. Nếu không làm được như vậy, sự gia nhập vào Tráng Đoàn  của Tráng sinh sẽ không mang đầy đủ ý nghĩa của nó là mang huy hiệu bên ngoài để chứng tỏ một sự thay đổi bên trong về thái độ của ta trong đời sống chung của thế giới.

Trách nhiệm của Tráng Trưởng là không để cho một thanh niên nào gia nhập Tráng Đoàn  mà không quyết tâm sống một cuộc đời phù hợp với lý tưởng Hướng đạo.

Ở đâu, như thế nào và vào lúc nào thì cử hành nghi thức tĩnh tâm là do tân tráng chọn. Có thể trong nhà thờ, hay ngoài trời. Tân tráng cũng có thể chọn một nơi nào có ý nghĩa đặc biệt với họ. Cũng có thể tiến hành chung với tân tráng khác hay chỉ một mình. Điều này hoàn toàn do tân tráng tự ý đưa ra.
Thông thường chỉ cần độ một đêm là đủ cho tân tráng tĩnh tâm xong, nhưng có người cần thêm một vài đêm nữa. Không có quy luật cứng nhắc về thời gian tĩnh tâm, và nếu tân tráng thấy cần thêm thời gian để suy nghĩ thì vẫn có lợi cho họ.

Trong một vài trường hợp, tân tráng muốn Tráng Trưởng đi cùng tới nơi tĩnh tâm. Tới đây Tráng Trưởng có thể đi về và thu xếp thế nào để cho đêm tĩnh tâm đừng bị gián đoạn và để một mình tân tráng tự tĩnh tâm.

Dù trong trường hợp nào thì tân tráng cũng phải cho Tráng Trưởng biết lúc nào anh sẽ tĩnh tâm và Tráng Trưởng cũng cần cho Tráng sinh biết lúc cần hỏi ý kiến thì Tráng Trưởng vẫn sẵn sàng dù trước, trong hay sau khi tĩnh tâm.



Khi tân tráng đã hoàn tất việc huấn luyện mà Tráng Trưởng và Tráng Đoàn  đã vừa ý, và khi tân tráng đã tĩnh tâm xong, tân tráng phải kiểm điểm các tiến bộ của mình với bảo huynh để bảo huynh báo cáo lại với Tráng Trưởng. Sau đó là việc ấn định thời gian và địa điểm cụ thể để làm lễ nhập đoàn.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét