Hoạt động
chung của Tráng Đoàn là những hoạt động
do toàn để Tráng sinh tham dự. Đó là những yếu tố chung liên kết Tráng Đoàn thành một khối và đặt trên căn bản những
nguyên tắc hướng đạo.
Vấn đề Luật và Lời
hứa Hướng đạo.
Khi ta nhìn
nhận rằng người thanh niên phải hiểu Luật và Lời hứa Hướng đạo theo quan điểm của
một người lớn trước khi nhập đoàn, ta cũng đừng lầm lẫn mà cho rằng quan niệm ấy
là một quan niêm luôn luôn tĩnh. Là một nguồn sống trong đời con người, Luật và
Lời hứa Hướng đạo cần luôn luôn được áp dụng lại một cách phù hợp với những biến
đổi trong thế giới không ngừng thay đổi của chúng ta. Những gì hôm nay là đúng,
có thể lại sai vào ngày mai. Những gì hôm nay chúng ta cho là trắng, có thể bị
đen hay nhuộm xám vào ngày mai. Quan niệm hiếu thảo đối với cha mẹ, tình bạn,
có thể thay đổi hẳn khi thanh niên lập gia thất.
Tuy điều quan
trọng là phải giải thích Luật Hướng đạo theo quan niệm ngày nay nhưng điều quan
trọng hơn là phải biết bằng cách nào những điều do Luật Hướng đạo quy định có
thể thực hiện được để rồi vẫn áp dụng được cho ngày mai khi có sự thay đổi xảy
đến.
Tìm hiểu vấn
đề, thám du, khám phá có mục đích sẽ không còn là một ý tưởng cao đẹp mơ hồ nữa
là trở thành một hoạt động thực tập khi được đặt trên căn bản của việc học và
áp dụng Luật Hướng đạo một cách có hệ thống, mỗi điều trong luật Hướng đạo
trông thì khác nhau nhưng vẫn liên kết khả năng của một Tráng sinh dù thế giới
quan của Tráng sinh với đời như thế nào đi nữa. Khi tiến hành một vấn đề của Tráng
Đoàn để thực hiện Luật Hướng đạo cần phải
xét kĩ về chi tiết từng điều một của Luật. Bước đầu tiên là xem xét kĩ những
nghĩa vụ mỗi đoạn trong Luật nêu ra. Bước thứ hai của công việc chuẩn bị là tìm
hiểu quan niệm của người khác. Bước thứ ba là đưa ra hình thức áp dụng vào thực
tế để trắc nghiệm những điều nêu trong Luật Hướng đạo.
Ví dụ: Phần
thứ 1 của Luật Hướng đạo nói: “Danh dự của
một HĐS là đáng cho người khác tin cậy”, chúng ta đứng trước vấn đề chữ Tín
– sự thật.
Điều này ảnh
hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày của chúng ta? Một Tráng sinh khi gặp
trường hợp phải hành động trái với tinh thần của Luật Hướng đạo để được Tráng
Đoàn chấp nhận là thành viên thì anh ta
sẽ có phản ứng thế nào? Có nên đưa ra “một lời nói dối thiện chí” để làm vừa ý người khác không? Tráng sinh thỉnh
thoảng sẽ nghe nói về những biện pháp xấu được sử dụng mà vẫn được tha thứ nếu
đưa tới kết quả mong muốn. Đó là những vấn đề thực tế mà một cá nhân sẽ gặp phải.
Bước thứ hai
là tìm hiểu xem người khác hiểu về chữ Tín – sự thật như thế nào. Có thời chữ
Tín là điều quan trọng trong cuộc sống con người. Báo chí có độ tin cậy cao hay
không? Các nước trao đổi, ngoại giao như thế nào? Có những trường hợp nào cần bắt
buộc phải gian dối trong nghề nghiệp hay không? Có cách thức nào để thay thế
hay không? Quan niệm về sự thật thay đổi theo những phát kiến mới về y học và
khoa học. Vậy làm thế nào để một cá nhân giải quyết những vấn đề ấy?
Bước cuối
cùng là đề ra những hoạt động thực hành những điều trong lý thuyết về chữ Tín –
sự thật. Ví dụ, tìm hiểu xem văn phòng phát triển thương mại hoạt động ra sao,
làm thế nào để có lợi từ các dịch vụ, nên báo cáo thế nào về những “phi vụ mờ
ám”. Trong mùa Giáng sinh nên đi tuần tiễu các khu vực trồng cây để ngăn ngừa
các vụ trộm cây thông Noel.
Với ít nhiều
trí tưởng tượng, ta có thể nghiên cứu mỗi điều của Luật Hướng đạo và đề ra những
hoạt động thiết thực có ích cho đời sống hàng ngày của Tráng sinh.
Vấn đề tình
huynh đệ
Vấn đề tình
huynh đệ trong Tráng Đoàn xem ra không cần
thiết phải nêu ra đây. Tuy nhiên tình huynh đệ không rõ rệt như chúng ta vẫn tưởng.
Các Tráng sinh, ngay cả Tráng sinh cùng Tráng Đoàn chỉ biết khoan dung, tha thứ cho nhau, như thế
chưa phải là tình huynh đệ. Chúng ta có khuynh hướng phân chia các nhóm người
theo chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, điều kiện xã hội và kinh tế. Sự phân chia
này đúng với những người “khác” với chúng ta. Chúng ta vẫn thường đề cao tình
huynh đệ, thế nhưng chúng ta chỉ biết tỏ ra khoan dung mà thôi. Chúng ta đều có
thành kiến – nghĩa là xét đoán người khác theo thành kiến riêng, tuỳ theo sự hiểu
biết, mỗi người chúng ta có những ý kiến rõ rệt về người Do Thái, người da đen,
người theo đạo Công giáo, Tin Lành, người Mỹ, người Pháp, v.v... Nhưng nếu
chúng ta thành thật nhìn nhận với bản thân mình, thì thấy rằng chúng ta ít khi
biết rõ được căn nguyên của những thành kiến ấy.
Bước đầu tiên
trong vấn đề này là xác định ý nghĩa của “tình huynh đệ”. Chúng ta có sẵn lòng
“vạch áo cho người xem lưng” không? Tình huynh đệ có phải có nghĩa là chúng ta
xem bạn Tráng sinh như anh em ruột thịt hay không?
Bây giờ, hãy
lắng nghe quan điểm của người khác. Hỏi một người có tôn giáo khác không có
trong Tráng Đoàn, và để người ấy nói về đức tin của họ và trả lời những câu hỏi
của chúng ta. Hãy mời một người Canada, nói về kinh nghiệm của mình khi lập
nghiệp ở xứ sở mới. Có nhiều nhóm thiểu số hay đoàn thể của quốc gia sẵn lòng cử
một người trình bày các vấn đề, quan niệm có ảnh hưởng đến họ cho chúng ta
nghe.
Để đưa vấn đề
này thành một hoạt động thực tiễn là việc hết sức đơn giản. Chúng ta hãy đi tìm
gặp những người có chuyên môn trong địa hạt riêng của họ, tham dự các buổi họp
mặt của các đoàn thể, gặp gỡ một nhóm người da đen đang đi cắm trại, đến thăm
khu vực của dân da đỏ, đi thám du đến những nơi xa hơi các khu du lịch thông
thường để tìm hiểu đời sống các dân tộc khác. Thám du đã được bàn đến ở chương
6. Đó là một cơ hội rất tốt để xem đồng bào ta sinh sống ra sao, làm những việc
gì và có quan niệm sống như thế nào.
Trong thế giới
hỗn loạn ngày nay, chúng ta cần có nhiều người tìm kiếm tình huynh đệ hơn nữa.
Chỉ nói tới không thôi thì chưa thể hiện được tình huynh đệ đó. Phải thực hành
để học hỏi kinh nghiệm.
Vấn đề sinh hoạt
ngoài trời
Vũ trụ bao la
xung quanh ta đã lôi cuốn trí tưởng tưởng của biết bao lớp người qua nhiều thế
kỷ. Có một bài dân ca có câu “Mặt trăng
là của chung, điều quý nhất trong đời là sự tự do”. Thật vậy, sự vui thú giản
dị trong việc tìm hiểu loài vật, cây cỏ ở nước ta chính là căn bản của một vấn
đề quan trọng trong sinh hoạt của Tráng Đoàn. Có nhiều khía cạnh trong công cuộc
học hỏi thú vị này không thể thực hiện được hết trong khoảng thời gian một
thanh niên hoạt động trong Tráng Đoàn. Và có khi thú vui giản dị này có thể chiếm
hết thời gian tiêu khiển của cả một đời người.
Săn tìm chim
muông và thú vật bằng máy ảnh để thu lấy hình ảnh những con chim ngay trong tổ
cuẩ chúng, quan sát chim bằng ống kính hay chỉ cần dạo chơi khắp nơi trong nước
cũng đã mở rộng tầm mắt thám hiểm vũ hoàn xung quanh ta. Hiểu biết những quy luật
của nghề chài lưới, tham gia các dự án bảo tồn, hiểu rõ sự quân bình trong vũ
trụ, dùng kính hiển vi để đi vào thế giới vi sinh mà mắt thường không thấy được hay dùng kính viễn vọng để quan sát
bầu trời, đó là vô số hoạt động thú vị và Tráng sinh có thể theo đuổi để thực
hiện vấn đề của mình.
Vấn đề giúp ích.
Giúp ích là một
thái độ trong đời sống chứ không phải là những hoạt động gián đoạn để giúp đỡ kẻ
khác như một việc tốt. Nhưng cần nhớ việc tốt là căn bản để huấn luyện về giúp
ích.
Giúp ích là một
thái độ và sự biểu hiện bề ngoài không nhất thiết phải là đi làm việc tốt. Nếu
chỉ làm việc tốt một cách dè dặt, miễn cưỡng thì lại không phản ánh được thái độ
giúp ích. Nhưng việc làm của bản thân một người có thể biểu lộ rõ rệt thái độ
giúp ích. Một người làm việc để kiếm tiền thì đâu có phải là làm việc tốt,
nhưng nếu biết chí thú làm ăn, gắn bó công việc với bản thân của mình, cố gắng
làm việc càng nhiều càng tốt do sự thúc đẩy của lòng ham muốn làm tròn nhiệm vụ
vì sự ích lợi của công việc làm thì càng thể hiện được tinh thần giúp ích.
Trong vấn đề
giúp ích, bước đầu tiên là học hỏi bản chất chính của tinh thần giúp ích. Khái
niệm về giúp ích có thể dạy và học được. Có thể thể hiện được bằng cách cho Tráng
Đoàn dấn thân vào công cuộc giúp ích, và Tráng Trưởng phải làm gương. Có thể
giáo dục thông qua trò chuyện, thảo luận và sinh hoạt.
Để chuẩn bị
giúp ích hữu hiệu phải thực hiện những hình thức huấn luyện riêng. Chẳng hạn
các Tráng sinh học tập phương pháp sơ cấp cứu, cách giữ an toàn khi đi sông nước,
phòng vệ và nhiều hình thức khác nữa. Muốn giúp ích hữu hiệu, thanh niên cần có
khả năng hướng dẫn người khác, và trong và trường hợp, cần làm theo họ. Hội Hướng
đạo, hội Thanh niên Công giáo, các tổ chức giáo dục, các hội ái hữu đều tổ chức
các lớp huấn luyện. Tráng sinh phải tận dụng các cơ hội tại cộng đồng để tham dự
huấn luyện.
Giúp ích mới
thật sự là mục đích cuối cùng của việc huấn luyện Tráng sinh. Hướng dẫn Tráng
sinh làm việc tốt, rèn luyện thái độ giúp Tráng sinh sẵn sàng bước qua giai đoạn
giúp ích và sinh hoạt trong giai đoạn này một cách hiệu quả. Để làm được điều
đó, các vấn đề về sinh hoạt ngoài trời, tình huynh đệ, Luật và Lời hứa, giúp
ích là những vấn đề liên tục. Chúng ta không bao giờ hoàn tất được những vấn đề
ấy, nhưng cần cho Tráng sinh ở giai đoạn giúp ích có đủ khả năng chứng tỏ thiện
chí và hướng dẫn tại cộng đồng thực hiện những phương châm hoạt động ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét