Blog Search

Search Box by Terocket

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Vấn đề 10: Bảo huynh

Chọn lựa Bảo huynh:

Sau khi người thanh niên được nhận vào Tráng Đoàn, và trở thành Tân Tráng sinh, điều quan trọng trong bước đầu huấn luyện Tân tráng phải được thực hiện triệt để và đúng đắn. Tuy trách nhiệm vẫn thuộc về cá nhân Tân tráng trong việc tự rèn luyện bản thân, Tân Tráng sinh phải được hai đoàn viên khác đứng bảo trợ và gọi là Bảo huynh của Tráng sinh.
Bảo huynh thường do Toán lãnh đạo Tráng Đoàn  chỉ định sau khi hỏi ý kiến Tân Tráng sinh. Khi thanh niên được nhận vào Tráng Đoàn  và trở thành Tân tráng, các Bảo huynh được chỉ định tại buổi lễ chấp nhận.

Việc lựa chọn Bảo huynh rất quan trọng và phương pháp hiệu quả nhất là một Bảo huynh do Tráng Đoàn  chọn và một do Tân tráng chọn. Một trong hai Bảo huynh phải là Tráng sinh ở giai đoạn Giúp ích. Tráng sinh đã trải qua hết các giai đoạn huấn luyện Ngành Tráng sẽ có đầy đủ kinh nghiệm về sinh hoạt ngành Tráng và thấu hiểu mục đích của mình là trở thành công dân tốt và biết giúp ích cho tha nhân thì Tráng sinh đó mới có đủ khả năng dìu dắt Tân tráng đi qua các giai đoạn đầu của một Tráng sinh. Bảo huynh này phải do Tân tráng chọn theo lẽ thông thường. Tân tráng sẽ chọn một người bạn thân của mình hay một người mà họ có thiện cảm và điều chắc chắn là họ sẽ cảm thấy thoải mái khi gần một người họ biết rõ và cảm phục. Do đó, việc dìu dắt Tân tráng qua khỏi giai đoạn dự bị sẽ có hiệu quả hơn.
Bảo huynh có nhiệm vụ và trách nhiệm rất quan trọng, điều đầu tiên chúng ta quan tâm là người Bảo huynh phải là người như thế nào. Xét về tính chất công việc thì ai cũng cho là người Bảo huynh phải có nhận định rõ ràng về mục đích cuối cùng của Ngành Tráng và phải là Tráng sinh có kinh nghiệm. Nếu chỉ có kỹ năng về Hướng đạo là chưa đủ, vì nếu kĩ năng là tất cả những gì cần thiết thì Tân Tráng sinh sẽ chỉ là một thực tập sinh không hơn không kém.
Do đó, người Bảo huynh ngoài khéo tay còn cần phải khéo trí nữa. Ngay từ buổi đầu, Bảo huynh phải biết cách làm sao cho Tân Tráng sinh cảm thấy thoải mái để thắt chặt mối thân hữu giữa Bảo huynh và Tráng sinh. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nếu Tân tráng cảm thấy Bảo huynh là một người bạn chân thành, dễ thông cảm, họ sẽ nhanh chóng hoà nhập với Tráng Đoàn  hơn là để mặc họ tự làm quen, khiến họ phải ngỡ ngàng. Chỉ cần hai người cũng đủ để cãi cọ và cũng chỉ cần hai người để kết bạn với nhau. Đó là điều người Bảo huynh luôn luôn phải tâm niệm để thắt chặt tình thân hữu giữa họ với một tân Tráng sinh mà họ bảo trợ.

Nhiệm vụ của Bảo huynh:

Xin hãy nhớ đến từ “đôn đốc” khi nhắc đến nhiệm vụ của Bảo huynh. Nghĩa là, Bảo huynh không cần đích thân huấn luyện chi tiết Tráng sinh ở thời kỳ dự bị, mà chỉ để Tân Tráng sinh tự huấn luyện bản thân, và khi cần thiết thì nhờ người khác hỗ trợ huấn luyện họ. Chẳng hạn, khi trong Tráng Đoàn  có người giỏi về kỹ thuật trại, Bảo huynh sẽ hướng dẫn Tân Tráng sinh học hỏi người đó về kỹ thuật cần để thực hiện công tác có kết quả.
Tân Tráng sinh khi đi cắm trại sẽ dựng bếp lửa để nấu nướng cho mình và bạn đồng hành. Bạn đồng hành thân thiết nhất của anh là Bảo huynh. Khi tình thân hữu giữa Bảo huynh và Tráng sinh đã thắt chặt, người Bảo huynh sẽ hết dè dặt và hiểu rõ tân Tráng sinh hơn.
Cần nhận thấy rằng, Tân Tráng sinh nhiều lúc cảm thấy rối rắm với vai trò của Tráng Trưởng, nhưng đối với bạn đồng tuổi, Tân Tráng sinh dễ cởi mở hơn và dễ dàng trò chuyện về các vấn đề riêng tư mà không cảm thấy bối rối. Tân tráng có thể lo lắng, thắc mắc làm cách nào để sống đúng theo Luật và Lời hứa Hướng đạo. Trường hợp này, Bảo huynh sẽ đưa ra kinh nghiệm bản thân để giúp đỡ, khuyến khích Tân Tráng sinh và chỉ cho Tân Tráng sinh đôi điều cần thiết.  Những điều đã đọc trong cuốn “Đường thành công” sẽ giúp Bảo huynh nhớ lại các vấn đề mình đã gặp phải trong đời sống cá nhân. Kinh nghiệm, tình thân hữu và sự thông cảm sẽ giúp đỡ chúng ta. Tân Tráng sinh cũng có thể lo lắng thắc mắc về khả năng mình trong việc lĩnh hội những kiến thức về Hướng đạo. Bất kỳ một vấn đề gì trong những điều kể trên cũng có thể là mối lo âu của Tân Tráng sinh và sẽ gây ra nhiều rắc rối mà họ phải đối mặt.
Như đã nói, Tân tráng thích trò chuyện với Bảo huynh hơn nhưng lúc đầu Bảo huynh phải chuẩn bị một cách tiếp cận phù hợp. Đừng vụng về mà hỏi rằng: “Này bạn, bây giờ hãy nói về những vấn đề của riêng bạn đi!”. Tân Tráng sinh có thể là người dè dặt, không muốn thổ lộ chuyện riêng của mình với người khác, hoặc cũng có thể anh ta là một người thích bàn chuyện của mình. Dù trường hợp nào thì Bảo huynh cũng sẽ gây bối rối nếu gợi chuyện với Tân Tráng sinh không đúng lúc. Phương pháp tế nhị, và là trường hợp thông thường trong đời sống Hướng đạo là trò chuyện trong bữa ăn, lúc ngồi trước đống than hồng đang tàn dần. Hãy nói về kinh nghiệm sinh hoạt của Ngành Tráng trong lúc cùng leo núi, những vấn đề Tráng Đoàn  quan tâm, các câu chuyện mạo hiểm, khuyến khích, gợi ý Tân Tráng sinh nói về kinh nghiệm riêng của mình. Đó là những cách trao đổi kinh nghiệm trong tình huynh đệ rất hữu ích giữa Bảo huynh và Tráng sinh.
Nhưng nhiệm vụ của Bảo huynh phần lớn là làm sao cho Tân Tráng sinh hiểu được những gì họ đang thực hiện. Tráng sinh phải hiểu rõ Luật và Lời hứa Hướng đạo. Cần phải gạt bỏ ý tưởng trở thành một “siêu Hướng đạo sinh”, thích làm gì thì làm, ở đâu và lúc nào cũng được. Tráng sinh có khi cũng có ý nghĩ sai lạc là mình đã gia nhập một hội hùng biện hoặc tưởng tượng mình sắp trở thành Hiệp sĩ Galahad hay một cá nhân siêu việt đứng trên hết những người thường.
Những ý tưởng trên có phần quá dáng, nhưng mục đích là để ta hiểu được những quan niệm sai lầm thường có về Ngành Tráng. Không có lời nào tóm tắt rõ ràng hơn những nguyên lý của Ngành Tráng bằng đoạn nói về Nghi thức Lên đường của Baden Powell, chắc chắn rằng không còn lời nào đơn giản hơn: “dù gặp khó khăn trong quá khứ, bạn có hứa từ này sẽ quyết tâm cố gắng hết mình để sống một cuộc đời ngay sạch, trọng danh dự, thật thà và ngay thẳng trong mọi công việc, giữ thanh khiết trong tư tưởng, lời nói việc làm của bạn hay không?”. Câu hỏi này cùng với lời giải thích của Tráng Trưởng về công cuộc giúp ích và nhấn mạnh về sự giúp đỡ, cổ vũ của Tráng Đoàn  đã tóm tắt ý nghĩa của danh từ Tráng sinh. Ngoài ra, Bảo huynh còn phải làm tròn phận sự với các đoàn sinh trẻ hơn mình và sống nêu gương tốt.
Tốt hơn là Bảo huynh nên cùng đọc đoạn nói về nghi thức Tĩnh tâm và Lễ Nhập đoàn cùng với Tân Tráng sinh. Vì Tân tráng sẽ thực hiện các nhiệm vụ của một người lớn, họ cần biết những gì họ phải làm.
Một điều nữa là Bảo huynh phải nhận định Tân Tráng sinh sẽ phù hợp hay không với Tráng Đoàn. Nếu Bảo huynh thấy có vài điều nghi ngờ thì phải hỏi ý kiến Toán lãnh đạo và Tráng Trưởng. Việc một Tân Tráng sinh không thích hợp được với các Tráng sinh khác có thể hoàn toàn không do lỗi của anh ta. Cũng có thể cần phải giúp đỡ cả Tân tráng với các Tráng sinh khác của Tráng Đoàn  để điều chỉnh cho phù hợp, hoặc trong trường hợp điều này quá khó khăn, chúng ta có thể cân nhắc để giúp đỡ Tân Tráng sinh “tu thân” ở một Tráng Đoàn  khác. Nếu điều này vẫn không được, Bảo huynh cần tìm kiếm các nỗ lực khác để giúp đỡ Tân Tráng sinh.
Hãy nhớ rằng Bảo huynh sẽ trình diện Tân Tráng sinh vào ngày lễ Nhập đoàn, nghĩa là Bảo huynh sẽ giới thiệu Tân Tráng sinh về tư cách xứng đáng của một đoàn sinh và sẽ có trách nhiệm trong việc xem xét tân Tráng sinh có thích hợp với Tráng Đoàn  hay không. Đây là vấn đề không được coi nhẹ.

Bảo huynh và Tráng trưởng:

Không những Tân Tráng sinh được huấn luyện chu đáo mà chính những Bảo huynh đứng bảo trợ họ cũng có cơ hội lớn để huấn luyện bản thân mình. Được góp một phần nhỏ vào việc phát triển năng cách một cá nhân là trách nhiệm rất nặng nề và đó chính là công việc của Bảo huynh. Nói cách khác, Bảo huynh cũng tự huấn luyện mình khi bảo trợ cho người khác.
Vì thế, Tráng Trưởng có vai trò hướng dẫn chu đáo trong việc này. Nhiều khi có vấn đề mà Tân Tráng muốn đưa ra nhưng các bảo huynh lại cảm thấy không đủ tự tin để giải quyết, lúc này cần phải bàn bạc với Tráng Trưởng.
Bảo huynh phải báo cáo định kì với Tráng Trưởng về công việc bảo trợ của mình. Đó là dịp để Tráng Trưởng đưa ra những lời khuyên bảo có liên quan đến trách nhiệm của người bảo huynh. Cũng có thể là dịp để Tráng Trưởng đưa thêm nhiều chi tiết về Tân Tráng và đặt thêm trách nhiệm cho bảo huynh.
Khi có nhiều Tân Tráng sinh cũng tham dự huấn luyện chung, nên đề ra một chương trình huấn luyện rõ rệt do Tráng Trưởng, Tráng Phó, cùng với các bảo huynh có liên quan cùng nhau soạn thảo.

Khi đã thiết lập được mối liên hệ đúng mực giữa bảo huynh và tân Tráng sinh, ta sẽ có một thanh niên nhiệt thành, được huấn luyện đầy đủ để gia nhập Tráng Đoàn. Người Tráng sinh sẽ hiểu rõ tại sao anh gia nhập và những gì đang chờ đợi anh với tư cách là một Tráng sinh Hướng đạo. 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét