Blog Search

Search Box by Terocket

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Vấn đề 20: Thám du và ký trình

Thám du là một nghệ thuật đi bộ có mục đích, là một trong những hoạt động then chốt của Ngành Tráng.

Thám du không phải là một nghệ thuật dễ dàng đạt được. Cần phải thực hiện những công việc chuẩn bị trước, có những thói quen phải học và rèn luyện trước. Thực tập qua quan sát và óc nghiên cứu, suy ngẫm là việc phải làm. Tuy nhiên trong khi luyện óc quan sát và suy ngẫm, vẫn cần có thám du thì những khả năng này mới đem ra thực nghiệm được.


Mục đích lấy thám du làm một hoạt động là để giúp Tráng sinh tự suy nghĩ, tìm ra những điều mới, tìm hiểu những nguyên do tại sao và nguồn gốc của các sự việc xảy ra hàng ngày xung quanh mình, thỉnh thoảng học hỏi ở những lời khuyên bảo và kinh nghiệm của người khác nhưng không tùy thuộc vào ý kiến của họ. Thanh niên phải tập quan sát, tìm hiểu và phân tích.

Khả năng quan sát và phân tích là thành phần quan trọng trong việc phát triển nhân cách và thám du là một phương tiện hay để quan sát và phân tích.

Nhờ quan sát mà giác quan của ta trở nên hữu hiệu. Mắt sẽ thấy nhanh hơn, tai nghe rõ hơn. Nhờ suy ngẫm mà óc lý luận phát triển vì phải tưởng tượng, nghiên cứu và phải cần đến trí nhớ và các thường thức.

Việc huấn luyện này có những tác dụng gì với một người? Nó phát triển óc tháo vát, khả năng nhận thức tinh vi, mở rộng thế giới quan và gây lòng tự tin – những yếu tố quan trọng cho sự thành công trong đời sống hàng ngày của con người, và phát triển khả năng giúp ích người khác. Giá trị thực tiễn của việc huấn luyện này mang lại một đức tính mới vô giá cho người thanh niên, cho dù anh ta lựa chọn bất kì một loại hoạt động nào, luật hay y học, thám hiểm hay khám phá, thương mại hay công nghiệp, hoặc những gì anh muốn làm. Loại huấn luyện này cũng hết sức cần thiết cho cá nhân Tráng sinh nếu muốn trau dồi, mở mang kiến thức rộng hơn về thế giới, hoặc khi anh bắt đầu biết đánh giá tâm tính của người khác, hoặc khi anh muốn sử tận hưởng những thú vui nhỏ mà tạo hoá đã ban cho anh hay nếu anh muốn sử dụng hết tài năng mà Thượng đế đã ban cho anh.

Việc thực tập khả năng quan sát và suy diễn, phát triển trí nhớ theo những chi tiết và dấu hiệu vụn vặt, sự khôn khéo tế nhị thu thập được trong khi thực tập sẽ đưa Tráng sinh tới chỗ nghiên cứu hữu hiệu và tường tận về đời sống nói chung và thiên nhiên nói riêng. Dù khả năng như thế nào đi nữa, không nên bỏ qua những lợi ích về thể chất, tâm hồn, và trí tuệ của những hoạt động ấy. Muốn đi thám du, Tráng sinh phải tự tin. Kiến thức về thế giới, khả năng quan sát, thấu hiểu những gì nhìn thấy trên đường đi sẽ làm tăng thêm sự thú vị của cuộc thám du vì như thế Tráng sinh có thể biến đổi từ một cuộc hành trình nhạt nhẽo vô vị mà mệt nhọc thành một cuộc du ngoạn với nhiều điều kỳ thú và không loại trừ khả năng tai nạn!

Từ những lợi ích nói trên, ta thấy rõ, thám du phải là một hoạt động chính của Ngành Tráng.

Huấn luyện về kỹ năng thám du.  

Tất cả Tráng sinh đều muốn thành công trong công cuộc thám du. Sự thành công này không dễ dàng đạt được mà là kết quả của việc lên kế hoạch, của kiến thức mình có và của sự cố gắng cá nhân để đi đến đích.

Như đã nói trên, khả năng quan sát và suy luận rất cần thiết khi đi thám du. Khả năng quan sát phải nhấn mạnh trước vì nhờ khả năng quan sát mà kết quả chuyến thám du mới đảm bảo. Nghệ thuật suy luận xuất phát từ sự quan sát.

Có nhiều sách về Hướng đạo chỉ rõ các thức và những trò chơi để luyện thói quen quan sát. Nghệ thuật tìm vết rất có ích để huấn luyện về óc quan sát phối hợp với khả năng suy luận. Cách huấn luyện này phải liên tục thì mới hữu hiệu và nên đề ra trong hầu hết các buổi sinh hoạt của Tráng Đoàn.

Muốn thám du có hiệu quả cần phát huy những lợi ích của hoạt động ngoài trời, khơi gợi sự ham thích với những điều mới lạ, đi thám hiểm những nơi kỳ lạ, để thấu hiểu hết những cánh đồng hoang dại, những con suối, góc rừng. Mục đích của chúng ta là làm cho Tráng sinh ý thức được môi trường bên ngoài xung quanh ta và học được cách trân trọng thiên nhiên.  Điều cần thiết để khởi xướng sự ưa thích sống ngoài trời là có một vài người yêu thích thiên nhiên để kích thích trí tò mò muốn tìm hiểu và thích khám phá, tìm tòi của Tráng sinh về những điều kì diệu.

Điều này phải bắt đầu ngay khi thanh niên vừa gia nhập Tráng Đoàn, củng cố niềm yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên trong lòng Tráng sinh, khả năng tự lo cho bản thân khi sinh hoạt ngoài trời và biết bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Muốn đạt tới mục đích này Tráng Trưởng và các Tráng sinh lớn tuổi phải biết làm gương, lấy lòng nhiệt thành của mình và tình yêu thiên nhiên để làm cho Tráng sinh yêu thích thám du.

Muốn tham gia thám du, Tráng sinh phải biết tự lo cho bản thân khi sinh hoạt ngoài trời. Lên kế hoạch nấu nướng, lựa chọn trang phục, dụng cụ, nhóm lửa, và các kỹ năng lều trại. Có nhiều quyển sách về vấn đề này. Những kinh nghiệm có được sau một ngày thám du nên được đưa ra bàn luận để rút kinh nghiệm. Những ý kiến thu lượm được trong ngày hôm nay sẽ được đem ra thực nghiệm trong những cuộc thám du sắp tới.

Các hình thức thám du.

Khi đã xong những chuẩn bị ban đầu, Tráng sinh còn hai việc phải quyết định: đi lúc nào và đi đâu?

Phần đông Tráng sinh thấy rằng thời gian thuận lợi cho thám du chỉ diễn ra vào dịp cuối tuần hay ngày nghỉ. Do các chuyến thám du đầu tiên thường không đi xa lắm, sau đó mới có thể đi tới nơi xa lạ hơn. Có thể lái xe hàng trăm dặm tối thứ 6 để chuẩn bị sẵn sàng cho thứ 7 đi thám du cuối tuần.

Dù là đi tới đâu cũng cần dự trù kỹ lưỡng trước lộ trình nhưng đừng đưa ra kế hoạch khó khăn và quá gấp rút. Một trong những thú vui lớn của thám du là ý thức kì diệu về tự do khi thám du.

Một Tráng sinh đi thám du vì ưa thích đi bộ và quan sát thế giới quanh mình. Tuy nhiên, đối với nhà tự nhiên học, công tác nghiên cứu có thể phối hợp với thám du. Đối với nhà sử học, những chuyến thám du tìm hiểu lịch sử sẽ có thêm nhiều thú vị. Thám du cũng vẫn có thể phối hợp với những vấn đề tìm hiểu chung của Tráng Đoàn  và những vấn đề tìm hiểu riêng của cá nhân. Được tự do lựa chọn là điểm chính yếu.

Tổ quốc ta và những danh lam thắng cảnh là những nơi lý tưởng để làm một cuộc thám du, các miền hoang vu là những nơi rộng bao la để ta du ngoạn. Những di tích lịch sử cũng cần được khảo cứu nhưng ta chỉ chú trọng đến những nơi không xa lắm và cốt để ý đến sự vật để quan sát và ghi nhận.

Dụng cụ. 

Bản đồ là một dụng cụ cần thiết trừ khi ta đã quá quen thuộc xứ sở và có bản đồ thì cuộc hành trình vẫn thêm thú vị. Nên có một bản đồ tốt để khảo cứu, tỷ lệ 1 inch/1 dặm là lý tưởng lắm rồi. Muốn hiểu rõ bản đồ, cần biết các dấu hiệu trên bản đồ, tỉ lệ xích, vòng cao độ và thực tập cách nhìn những vật biểu thị trên bản độ địa hình. Những kinh nghiệm ngoài trời trong bốn mùa sẽ hun đúc những đức tính khéo léo thành thói quen.

La bàn cũng là một dụng cụ cần thiết. Tráng sinh cần phải biết sử dụng la bàn để xác định hướng, nhất là khi đi thám du đến những nơi xa lạ chứ không thể tin vào trực giác của mình được.

Ba lô và dụng cụ cắm trại sẽ được nói đến ở chương sau nhưng chỉ cần nói rằng người giỏi cắm trại, biết sử dụng số dụng cụ tối thiểu mang theo trong ba lô để tiện nghi cho mình sẽ là người thám du giỏi.
Dụng cụ mà một người thường xuyên đi thám du mang theo là bút chì và sổ tay. Những điều ghi chú, những sơ đồ vẽ trong sổ tay khi di hành sẽ là những hồ sơ quý báu chứng tỏ óc quan sát và suy luận của Tráng sinh.

Ký trình.  

Việc giữ một quyển số đường không phải là việc thường lệ của người thanh niên nếu chỉ có mục đích ghi những nơi đã đi và những việc đã làm. Nếu thế thì chỉ là một việc làm dễ nhàm chán. Nếu ta so sánh ký trình  của một người thám du, với sổ ghi chép của một khoa học gia, một nhà khảo cổ hay của một bác sĩ thì ta sẽ thấy được giá trị của sổ tay và lý do tại sao người đi thám du cần có ký trình. Người đi thám du phải có ký trình  để ghi chú những gì tìm tòi được, những điều quan sát và nhận xét có phương pháp, có quy củ. Ký trình  chứng mình những kết quả của quá trình thám du.

Ký trình  chưa phải là điều quan trọng nhất của thám du mà chỉ là việc cần thiết mà thôi. Trong khi ghi chép những chi tiết trên đường thám du, cần phải trả lời các câu hỏi: Cái gì? Ở đâu? Lúc nào? Như thế nào? Tại sao? Những chi tiết không ghi chép lại sẽ nhanh chóng bị quên lãng và kiến thức thâu lượm được nhờ ghi chép cũng vì vậy mà biến mất.

Có phát huy thói quen ghi chép mới kích thích khả năng quan sát và người biết quan sát mới biết chú ý đến những chi tiết hữu ích.

Cần phải luôn luôn nhớ rằng cách huấn luyện thông qua viết báo cáo rất quan trọng vì một số nghề nghiệp đòi hỏi nhiều người phải biết cách làm những bản báo cáo rõ ràng dễ hiểu.

Nên ghi chép vào ký trình  thế nào đó là một câu hỏi khó trả lời. Không có tiêu chuẩn rõ rệt nào về phương pháp lưu trữ ký trình và cũng không cần phải đặt tiêu chuẩn. Mỗi cuốn ký trình  thể hiện cá tính con người nên mỗi người có quyền tự nghĩ ra cách ghi chép.

Những điều ghi chép trong ký trình  có thể chỉ là những chữ vắn tắt, cũng có thể là lời tự thuật. Văn thơ cũng có thể là một phương pháp ghi chú. Có người thấy rằng “một bức tranh đáng giá ngàn lời” và nội dung ghi chép có thể chỉ là những sơ đồ, tranh ảnh dán liền với nhau. Có người thì lại muốn phối hợp những phương pháp kể trên. Dù là phương pháp nào đi nữa thì nếu muốn thử áp dụng để trắc nghiệm trong việc tìm phương pháp ghi chép hay cần được cân nhắc cẩn thận. Khi muốn biết một ký trình  có hoàn hảo không thì phải xem trong đó có ghi đủ những chi tiết cần thiết không.

Ngay từ lúc đầu, Tráng sinh nên dùng ký trình  theo một khổ giấy chung. Như thế để dễ ghép lại thành hồ sơ hay đóng lại thành tập. Một cuốn sổ nhỏ thì tốt hơn là giấy rời.

Sổ đường phải ghi lại những chi tiết chính như người báo cáo, báo cáo cho ai, ngày giờ, và thời tiết (chiều gió, nhiệt độ, mây mù), hướng la bàn, mục tiêu cuộc di hành và đồng bạn đi theo.

Một hình thức ký trình  làm sẵn có chia từng cột để ghi các chi tiết cũng có thể hữu dụng cho việc ghi chép. Nhưng phải gồm đủ các yếu tố cần thiết.

Sổ đường còn có giá trị đối với người khác vậy cũng nên đính kèm sơ đồ lộ trình thám du. Khuyết điểm chung thường là không ghi tỉ lệ xích và hướng Bắc lên các sơ đồ này. Không có những chi tiết đó thì sơ đồ lộ trình không có giá trị.

Có một điểm chưa được giải quyết dứt khoát được là có nên hay không nên viết hẳn một quyển ký trình  hoàn chỉnh cho một chuyến thám du. Có người cho rằng nên ghi chép thường xuyên khi hoạt động thám du đang xảy ra. Người khác cho rằng nên làm cho xong một việc đã. Khuyết điểm của quan điểm thứ nhất là công việc này dây dưa sẽ kéo theo sự chậm trễ của các công việc khác. Còn khuyết điểm của quan niệm thứ hai là ta sẽ để ý đến khả năng và cách thức ghi chép nhiều hơn là kết quả của chuyến thám du.

Để dung hoà hai quan điểm trên ta sẽ ghi chú những gì về cuộc thám du đang diễn ra rồi về nhà tổng kết sau.

Hội Hướng đạo có một quyển sách có giá trị về vấn đề này, đó là “Huy hiệu Thám du Ngành Tráng”.

Huy hiệu Thám du.

Mục đích của huy hiệu này là để khuyến khích Tráng sinh đi bộ theo sở thích. Đây không phải là một huy hiệu về khả năng lực sĩ mà ta có thể lấy bằng này bằng cách luyện tập một thời gian lâu dài.



Không phải bằng thám du chỉ dành cho những ai thật giỏi về đi bộ đường dài. Tráng sinh nên nhớ rằng “cuộc hành trình hàng trăm dặm chỉ cần khởi đầu bằng vài bước đi mà thôi.”
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét